Tìm hiểu về vi-rút và vắc-xin


COVID-19

Đã có hàng triệu trường hợp được xác nhận là bị nhiễm COVID-19 ở Úc. Hàng nghìn người đã tử vong1. Hầu hết những người bị nhiễm COVID-19 sẽ hồi phục; tuy nhiên, một số sẽ bị bệnh nặng đến mức họ cần phải nhập viện hoặc được nhân viên bệnh viện chăm sóc trong chương trình 'bệnh viện tại nhà'. Một số ít người sẽ vẫn cảm thấy khó chịu trong ba tháng hoặc hơn sau khi họ bị nhiễm COVID-19 lần đầu tiên.

  • COVID-19 là gì?

    Bệnh do Coronavirus 19 (COVID-19) được phát hiện ở người vào tháng 12 năm 2019 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020.

    Bệnh này lây lan dễ dàng và có thể lây từ người này sang người khác khi ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở, hoặc sau khi chạm vào các bề mặt hoặc đồ vật bị nhiễm vi-rút.2

    Mọi người thường bắt đầu cảm thấy không khỏe khoảng 5 đến 6 ngày sau khi bị nhiễm COVID-19,3 nhưng có thể từ 1 đến 14 ngày.3 Các dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh là đau đầu, đau họng, ho, sổ mũi và sốt.4

    Một số phiên bản hoặc 'biến thể' khác nhau của COVID-19 đã xuất hiện kể từ lần đầu tiên vi-rút được phát hiện. Chúng bao gồm Delta và Omicron. Các loại vắc-xin hiện có ở Úc đều cung cấp sự bảo vệ chống lại các biến thể COVID-19.
     

  • Những nguy cơ của COVID-19 là gì?

    COVID-19 đã khiến hàng triệu người tử vong trên thế giới. Hầu hết mọi người hồi phục mà không cần trợ giúp y tế. Một số người bị bệnh nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như khó thở và viêm phổi (nhiễm trùng phổi). Họ có thể cần phải đến bệnh viện để được thở oxy hoặc dùng máy thở (khi có máy để giúp bạn thở).5,6 Bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong thường xảy ra hơn ở người lớn tuổi hoặc người có vấn đề khác về sức khỏe.7  

    Một số người sẽ có các triệu chứng bao gồm đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ và khó tập trung, trong ba tháng hoặc hơn. Tình trạng này thường được gọi là 'bệnh COVID kéo dài'.

Chích vắc-xin ngừa COVID-19

Các vắc-xin COVID-19 huấn luyện cơ thể chúng ta nhận biết và chống lại vi-rút. Các vắc-xin làm điều này bằng cách dạy hệ thống miễn dịch của chúng ta đọc mã di truyền của một phần quan trọng của vi-rút, được gọi là protein (chất đạm) gai (spike protein). 

Chích vắc-xin có nghĩa là bạn sẽ ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 và lây bệnh cho người khác hơn. Vẫn có khả năng nhỏ bạn sẽ bị nhiễm vi-rút, nhưng nếu có, các triệu chứng của bạn thường sẽ nhẹ.

Qua thời gian, Úc có thể sẽ có các vắc-xin COVID-19 khác nhau. 

Các loại vắc-xin hiện được phê duyệt cho người lớn ở Úc là: 

  • Pfizer/BioNTech (Comirnaty) 
  • Moderna (Spikevax)
  • AstraZeneca (Vaxzeveria) 
  • Novavax (Nuvaxovid) 
  • Vắc-xin ngừa COVID-19 hoạt động như thế nào?

    Vắc-xin chứa mã di truyền của một phần quan trọng của vi-rút COVID-19 được gọi là protein gai. Các protein (chất đạm) gai được tìm thấy ở bên ngoài vi-rút. Công việc của chúng là bám vào bên ngoài tế bào của bạn, để vi-rút có thể xâm nhập vào tế bào của bạn và gây bệnh.

    Khi bạn được chích vắc-xin, cơ thể bạn đọc mã di truyền này và đào tạo hệ thống miễn dịch của mình nhận ra các protein (chất đạm) gai và chống lại vi-rút. Trong vòng khoảng hai tuần sau khi chích ngừa, cơ thể bạn sẽ bắt đầu tạo ra kháng thể. Sau đó, nếu bạn tiếp xúc với vi-rút COVID-19, các kháng thể này sẽ bám vào nó và giúp loại bỏ nó.

    Bạn không thể bị nhiễm COVID-19 từ vắc-xin vì chúng không chứa vi-rút. Chúng chỉ chứa mã di truyền cần thiết để huấn luyện hệ thống miễn dịch của bạn nhận ra và chống lại vi-rút.

    Các loại vắc-xin khác nhau hoạt động với mã di truyền theo những cách khác nhau. 

    Các vắc-xin mRNA sử dụng một đoạn mã đã được biến đổi gen. Các cơ quan quản lý y tế của Úc đã phê duyệt việc sử dụng các vắc-xin mRNA sau: 

    • Pfizer/BioNTech (Comirnaty) 
    • Moderna (Spikevax) 

    Vắc-xin vec-tơ vi-rút (Viral vector vaccines) sử dụng vật liệu di truyền được lấy trực tiếp từ protein (chất đạm) gai và đặt nó vào bên trong một vi-rút không hoạt động vô hại. Các cơ quan quản lý y tế của Úc đã phê duyệt việc sử dụng các vắc-xin vec-tơ vi-rút sau:

    • AstraZeneca (Vaxzeveria) 

    Vắc-xin tiểu đơn vị protein (Protein subunit vaccines) sử dụng một phiên bản của protein (chất đạm) gai để kích thích phản ứng miễn dịch trong cơ thể bạn. Các cơ quan quản lý y tế của Úc đã phê duyệt việc sử dụng các vắc-xin tiểu đơn vị protein (chất đạm) sau:

    • Novavax (Nuvaxovid) 
  • Vắc-xin COVID-19 được thử nghiệm như thế nào?

    Nghiên cứu về tính an toàn là một phần quan trọng trong việc tạo ra vắc-xin. Vắc-xin được thử nghiệm rộng rãi trước khi sẵn sàng để sử dụng. Thử nghiệm bắt đầu với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm (ống nghiệm), sau đó nghiên cứu trên động vật và cuối cùng là nghiên cứu trên con người (thử nghiệm lâm sàng).

    Các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến việc thử nghiệm vắc-xin ở những người tình nguyện và tiến hành trong ba giai đoạn chính:

    Các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 1 thường có vài chục tình nguyện viên trưởng thành khỏe mạnh. Những thử nghiệm này tập trung vào tính an toàn của vắc-xin và tìm hiểu xem liệu vắc-xin có gây ra phản ứng miễn dịch hay không.

    Các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 2 lớn hơn và có hàng trăm tình nguyện viên. Các thử nghiệm này kiểm tra phản ứng miễn dịch của vắc-xin ở một nhóm lớn hơn và đánh giá xem liệu vắc-xin có an toàn hay không, và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được không. 

    Các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 3 có hàng nghìn người tham gia. Những thử nghiệm này đánh giá mức độ hiệu quả của vắc-xin trong việc phòng ngừa bệnh cho mọi người. Thử nghiệm giai đoạn 3 có thể đánh giá kỹ lưỡng hơn về tính an toàn và các tác dụng phụ của vắc-xin. Trong thử nghiệm Giai đoạn 3, các nhà nghiên cứu thường so sánh những người đã chích vắc-xin với những người không chích.

    Thông thường, các giai đoạn này xảy ra lần lượt. Để phát triển vắc-xin COVID-19, một số giai đoạn có thể gối đầu nhau. Ví dụ, các nghiên cứu Giai đoạn 3 đã được bắt đầu ngay khi có dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm Giai đoạn 1 và 2. Phương pháp này có nghĩa là vắc-xin COVID-19 có thể được phát triển nhanh chóng, làm cho chúng có sẵn để cứu sống mọi người sớm hơn. 
     

  • Những lợi ích của việc chích ngừa vắc-xin COVID-19 là gì?

    Có vắc-xin có nghĩa là bạn sẽ ít có khả năng bị nhiễm COVID-19 và lây bệnh cho người khác hơn. Nếu đã chích ngừa, bạn sẽ có thể đến thăm người thân lớn tuổi hoặc dễ bị tổn thương, một cách an toàn hơn. Bạn cũng có thể đi làm hoặc đi nghỉ, và trường học và nơi làm việc sẽ an toàn hơn.

    Vẫn có khả năng nhỏ bạn sẽ bị nhiễm COVID-19, nhưng nếu có, các triệu chứng của bạn thường sẽ nhẹ.

    Nếu muốn biết thêm về lợi ích của việc chích ngừa cho trẻ em, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng tài liệu Hỗ trợ Ra Quyết định về COVID-19 (COVID-19 Decision Aid) (5-15 tuổi).

  • Những nguy cơ của việc chích vắc-xin ngừa COVID-19 là gì?

    Hầu hết mọi người có các triệu chứng nhẹ trong một hoặc hai ngày sau khi chích vắc-xin ngừa COVID-19. Điều này là hoàn toàn bình thường và có thể bao gồm đau hoặc đau khi chạm vào chỗ chích, nhức đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ hoặc khớp.9 Rất hiếm khi xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về các nguy cơ của tác dụng phụ khi chích ngừa trong bước tiếp theo của bản hỗ trợ ra quyết định này.

    Bạn có thể đã nghe mọi người nói về những nguy cơ khác liên quan đến vắc-xin COVID-19. Những nguy cơ đó không được đề cập ở đây vì không có bằng chứng khoa học hỗ trợ cho những nguy cơ này.

    Nếu muốn biết thêm về những nguy cơ khi chích ngừa cho trẻ, chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng tài liệu Hỗ trợ Ra Quyết định về COVID-19 (COVID-19 Decision Aid) (5-15 tuổi).

  • Các vắc-xin có tác dụng đối với các biến thể khác nhau không?

    Có. Các vắc-xin hiện đã được phê duyệt có hiệu quả cao đối với các biến thể hiện có. Bạn vẫn có thể bị nhiễm COVID-19, nhưng nếu bạn đã chích ngừa đầy đủ, bạn sẽ không bị bệnh nghiêm trọng.

  • Tôi có cần liều vắc-xin tăng cường không?

    Liều vắc-xin tăng cường được khuyến cáo cho tất cả mọi người trên 16 tuổi. Hiệu quả của việc chích vắc-xin ban đầu sẽ mất dần theo thời gian. Chích liều vắc-xin tăng cường sẽ đảm bảo bạn tiếp tục được bảo vệ chống lại vi-rút.

  • Nếu tôi đã bị nhiễm COVID-19, tôi có cần vắc-xin và liều tăng cường không?

    Có. Nếu bạn đã xét nghiệm dương tính với COVID-19, khả năng tái nhiễm bệnh của bạn sẽ giảm bớt, nhưng chỉ trong một vài tháng. 

    Để tiếp tục được bảo vệ chống lại vi-rút, bạn nên chích liều vắc-xin tăng cường trong vòng bốn tháng kể từ khi khỏi bệnh cấp tính. 

  • Vắc-xin ngừa COVID-19 có an toàn đối với phụ nữ mang thai không?

    Có, hiện đã có bằng chứng thực tế từ các quốc gia như Hoa Kỳ cho thấy vắc-xin COVID-19 mRNA (chẳng hạn như vắc-xin Pfizer và Moderna) là an toàn đối với phụ nữ mang thai.10-11 Các tác dụng phụ được báo cáo tương tự như những tác dụng phụ được báo cáo ở phụ nữ không mang thai.11

    Chích vắc-xin ngừa COVID-19 được khuyến cáo cho phụ nữ mang thai vì nghiên cứu đã cho thấy họ có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do vi-rút gây ra hơn. Đặc biệt, những phụ nữ đang mang thai mà bị COVID-19 có nhiều khả năng phải được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và có nhiều khả năng cần máy để giúp họ thở (thở bằng máy) hơn những người bị COVID-19 và không mang thai.12-14

    Bị COVID-19 trong khi bạn đang mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi sinh. Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi-rút có nhiều khả năng sinh non hơn so với những phụ nữ không bị nhiễm vi-rút. Họ cũng có thể có nhiều khả năng bị thai chết lưu hơn.6

+ Tài liệu tham khảo

  1. Australian Government Department of Health. Coronavirus (COVID-19) current situation and case numbers; Available from: https://www.health.gov.au/news/health-alerts/novel-coronavirus-2019-ncov-health-alert/coronavirus-covid-19-current-situation-and-case-numbers#at-a-glance 
  2. WHO. Transmission of SARS-CoV-2: implications for infection prevention precautions. Scientific brief. [Internet.] Geneva: WHO; 9 July 2020. Available from: https://www.who.int/news-room/commentaries/detail/transmission-of-sars-cov-2-implications-for-infection-prevention-precautions
  3. McAloon C, Collins Á, Hunt K, Barber A, Byrne AW, Butler F et al. Incubation period of COVID-19: a rapid systematic review and meta-analysis of observational research. BMJ Open. 2020;10(8). doi: https://doi.org/10.1136/bmjopen-2020-039652
  4. Zoe COVID Study. What are the top 5 COVID symptoms? 2021. Available from: https://covid.joinzoe.com/post/new-top-5-covid-symptoms#part_3 
  5. Australian Government Department of Health. Australian National Disease Surveillance Plan for COVID-19. [Internet.] Canberra: Australian Government Department of Health; 30 May 2020. Available from: https://www.health.gov.au/resources/publications/australian-national-disease-surveillance-plan-for-covid-19.
  6. Rothan HA, Byrareddy SN. The epidemiology and pathogenesis of coronavirus disease (COVID-19) outbreak. J Autoimmun. 2020;109. doi: https://doi.org/10.1016/j.jaut.2020.102433  
  7. Hu Y, Sun J, Dai Z, Deng H, Li X, Huang Q et al. Prevalence and severity of corona virus disease 2019 (COVID-19): A systematic review and meta-analysis. J Clin Virol. 2020;127. doi: https://doi.org/10.1016/j.jcv.2020.104371.
  8. Liu B, Jayasundara D, Pye V, Dobbins T, Dore GJ, Matthews G, Kaldor J, Spokes P. Whole population-based cohort study of recovery time from COVID-19 in New South Wales, Australia. The Lancet Regional Health-Western Pacific. 2021;1(12):100193.
  9. National Centre for Immunisation Research and Surveillance. AusVaxSafety. 2021. https://www.ausvaxsafety.org.au/ accessed August 2021. 
  10. Akhtar H, Patel C, Abuelgasim E, Harky A. COVID-19 (SARS-CoV-2) infection in pregnancy: a systematic review. Gynecologic and Obstetric Investigation. 2020;85(4):295-306.
  11. Ciapponi A, Bardach A, Mazzoni A, Alconada T, Anderson AS, Argento FJ, Ballivian J, Bok K, Comandé D, Erbelding E, Goucher E. Safety of components and platforms of COVID-19 vaccines considered for use in pregnancy: A rapid review. Vaccine. 2021 Aug 13.
  12. Zambrano  LD, Ellington  S, Strid  P,  et al.  Update: characteristics of symptomatic women of reproductive age with laboratory-confirmed SARS-CoV-2 infection by pregnancy status—United States, January 22-October 3, 2020.   MMWR Morb Mortal Wkly Rep. 2020;69(44):1641-1647.
  13. Wei SQ, Bilodeau-Bertrand M, Liu S, Auger N. The impact of COVID-19 on pregnancy outcomes: a systematic review and meta-analysis. CMAJ. 2021;193(16):E540-8.
  14. Shimabukuro, Tom T., et al. Preliminary findings of mRNA Covid-19 vaccine safety in pregnant persons. New England Journal of Medicine. 2021; 384(24): 2273-2282.